Cùng với tập thể học sinh lớp 4 A4, cô Phạm Thị Luyện đã mang đến một sự mới mẻ trong tiết Tập làm văn “Cốt truyện”. Đây là một bài học khó và quan trọng đối với học sinh. Các con cần phải hiểu được cốt truyện là gì? Cốt truyện gồm mấy phần?Và vì sao truyện phải có cốt truyện? Để giải quyết được vấn đề đó, cô giáo đã xây dựng hệ thống câu hỏi thảo luận nhóm để phân tích ngữ liệu trong sách giáo khoa, từ từ dẫn dắt học sinh trả lời câu hỏi, rút ra được khái niệm cốt truyện, kết cấu của cốt truyện (3 phần: mở đầu, diễn biến và kết thúc). Với giọng nói truyền cảm, rõ ràng, mạch lạc của cô giáo Luyện, cùng sự ham thích học hỏi của các con học sinh, các kiến thức được hình thành một cách dễ hiểu và dễ nhớ.
cô Phạm Thị Luyện và học sinh lớp 4A trong tiết Tập làm văn “Cốt truyện”
Đặc biệt ở phần luyện tập, cô giáo đã sử dụng thêm kỹ thuật “Khăn trải bàn” – một kĩ thuật học tập nhằm làm tăng sự hứng thú cho học sinh. Mỗi nhóm học sinh gồm 4 bạn, mỗi bạn sẽ tự suy nghĩ theo quan điểm của riêng mình và ghi ý kiến ra 4 cạnh của “khăn”. Sau đó, các ý kiến sẽ được thống nhất thành ý kiến chung của nhóm được ghi vào giữa “tấm khăn”. Chỉ với 2 bài tập nhỏ liên quan đến câu chuyện “Cây khế” các con học sinh lớp 4A4 đã xây dựng lại được cốt truyện và kể lại câu chuyện đầy sáng tạo và đáng yêu. Cuộc thi kể chuyện giữa hai nhóm nam và nữ trong lớp diễn ra vô cùng sôi nổi.Với lời kể lôi cuốn, động tác, nét mặt biểu cảm, các con đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các thầy, cô giáo dự giờ.
Còn chuyên đề Lịch sử “Nước Văn Lang” được thực hiện do cô giáo Phạm Thị Đào và các con học sinh lớp 4 A11. Vì đây là bài lịch sử đầu tiên nên cô giáo Đào đã hướng dẫn học sinh tìm hiểu và nắm rõ các khái niệm: Năm công nguyên, năm trước công nguyên và năm sau công nguyên... Bài học được chia làm 3 phần chính: Phần thứ nhất là Sự ra đời của nhà nước Văn Lang; phần hai là Tổ chức xã hội Văn Lang; phần ba là Đời sống người Lạc Việt. Ở cả ba phần, bằng sự khéo léo của mình, cô giáo Phạm Thị Đào đã đóng vai trò là người dẫn dắt, giúp học sinh tự tìm hiểu, tự đưa ý kiến của mình trước các vấn đề.
Cô giáo Phạm Thị Đào và các con học sinh lớp 4 A11 trong chuyên đề Lịch sử “Nước Văn Lang”
Các con được sử dụng tư liệu là sách giáo khoa, cùng với vốn hiểu biết của mình tự ghi ý kiến vào vở thông qua các câu hỏi gợi ý hoặc yêu cầu cụ thể của giáo viên. Buổi học gây hứng thú cho học sinh nhờ những hình ảnh cụ thể, những đoạn phim hay và đặc biệt là sự đổi mới phương pháp dạy.
Hi vọng rằng với sự sáng tạo, lòng nhiệt tình của các thầy, cô giáo, các bài học sẽ trở nên hấp dẫn và mới lạ hơn đối với các con học sinh.
|